Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” năm 2021: Nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy

Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”,“Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6)” năm 2021, với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy” gắn với thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

 

Qua 20 năm triển khai Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng chính phủ, Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (ngày 26/6) đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma tuý.

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm thì có tới 70% các vụ án hình sự liên quan đến ma túy và người nghiện ma túy, hầu hết những vụ mất trật tự công cộng, đâm chém kinh hoàng liên quan tới người nghiện ma túy. Đặc biệt ma túy còn là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS - căn bệnh mà hiện nay chưa có thuốc chữa.

 

 

Infographic Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (Nguồn: TTXVN)

 

Những năm qua, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, bóng cười, viên ma túy tổng hợp...được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy... vấn nạn này trở thành một hiểm hoạ lớn đối với toàn xã hội, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức.

 

 

 

 

Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma tuý trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma tuý; các hoạt động của Tháng hành động được triển khai thiết thực, hiệu quả, tạo hiệu ứng về truyền thông, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Tranh cổ động về phòng, chống ma túy học đường (Nguồn: Công ty TTXH PSD)

 

Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên, sinh viên Kinh tế - Luật hãy chung tay phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội nguy hiểm khác. Việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Mỗi cá nhân hãy là một tuyên truyền viên vừa phòng, chống vừa tuyên truyền cho mọi người xung quanh, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy.

Một số tranh ảnh tuyên truyền về phòng chống ma túy

Nguồn: Tổng hợp