Cứ mỗi tháng 5, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lại náo nức, bồi hồi tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Người cha già muôn ngàn kính yêu của dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Ảnh sưu tầm)
Người anh hùng giải phóng dân tộc
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với sự ra đi tìm đường cứu nước của một thanh niên điều mà lịch sử đã cho chúng ta thấy đó là một quyết định sáng suốt phi thường. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Từ đó, Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.
Con tàu Đô đốc Latouche-Tréville (ảnh trái); chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913 (ảnh phải) (Ảnh tư liệu)
Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/01/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất là phải đi theo “Con đường cách mạng dân tộc dân chủ” do Đảng của giai cấp công nhân tiên phong lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp
ở thành phố Tua, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu)
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tranh vẽ Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam ngày 28/01/1941 (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày 19-5
Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch Nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại Việt Bắc
nhân dịp sinh nhật của Người, ngày 19/5/1953 (Ánh tư liệu)
Ngày 19/5/1946 là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác của chúng ta vẫn luôn vui vẻ lạc quan, nếp sống giản dị vẫn luôn được Bác duy trì, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.
Các cháu Thiếu sinh quân mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc,
ngày 19-5-1950 (Ảnh tư liệu)
Qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng. Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử của đất nước, là dịp để chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội,
đúng ngày sinh nhật của Người, ngày 19-5-1955 (Ảnh tư liệu)
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại có dịp bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đến Bác Hồ kính yêu và cùng nhìn lại sự nghiệp vĩ đại của nước nhà mà Người đã gây dựng nên, để rồi tự hào bản thân mang trong mình dòng máu của dân tộc Việt Nam kiên cường bất khuất. Bác sẽ luôn sống mãi trong trái tim của người dân Việt Nam và khi nhắc về Người, chúng ta lại tự hào hô vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Nguồn: Tổng hợp