Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021)

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến (Ảnh: Phạm Thanh Sinh)

 

Với lịch sử và truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tài tình lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thời kì “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định mang ý nghĩa lịch sử vào ngày 19/12/1946 - Ngày Toàn quốc kháng chiến, khẳng định được ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý "không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Sau cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân, nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình. Song chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước tình thế vô cùng khó khăn. Nền kinh tế vốn nghèo nàn, khó khăn nay lại bị Pháp, Nhật vơ vét làm cho tiêu điều, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp bị chiến tranh tàn phá, tài chính trống rỗng. Xã hội đối diện với nạn mù chữ, tệ nạn xã hội và cả những thủ tục lạc hậu.

Cách mạng ta thời điểm đó không những phải đối diện với giặc đói, giặc dốt, mà còn phải đối diện với giặc ngoại xâm khi mà ở miền Bắc có 20 vạn quân Tưởng kéo theo bọn tay sai Việt quốc, Việt cách theo sau hòng cướp lại chính quyền; Ở miền Nam quân Anh kéo vào, dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, trên cả nước còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, theo lệnh của quân Anh chống phá chính quyền cách mạng.

Trước tình thế cấp bách đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi Nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với chính phủ Pháp để cứu vãn hoà bình, cần thời gian để chuẩn bị lực lượng. Và vào ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

"Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

 

Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

 

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm ! kháng chiến thắng lợi muôn năm.”

 

Bản viết tay của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. (Ảnh: Tư liệu)

 

Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước ta với ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.

 

Thắng lợi của nhân dân ta trước thực dân Pháp "đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc" mà khởi đầu là “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chính là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về "Toàn quốc kháng chiến", là thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Thắng lợi đó đã làm sáng tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là một dân tộc nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại, tiếp nối được khí phách hào hùng của cha ông ta như bài thơ thần "Nam quốc sơn hà” thời Lý, "Hịch tướng sĩ” thời Trần, "Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ... Những tư tưởng cơ bản đó cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong mọi thời kì.

Và cho tới ngày nay, 75 năm sau ngày 19/12/1946 thì “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vẫn còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt tinh thần ấy phát huy rất tốt trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid 19. Cụ thể là sau lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch bệnh Covid 19” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân đã chung tay thực hiện tốt 5K đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ khai báo y tế cũng như hạn chế tụ tập đông người. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng bí thư, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ sinh viên không thể trở về địa phương, chuyển đổi phương thức giảng dạy để đảm bảo an toàn cho sinh viên và cộng đồng. 

 

Các y bác sỹ lan toả thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch Covid 19 (Ảnh: Hồ Thế Thanh)

 

NGUỒN: ĐOÀN TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT