Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 “Là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”. Dù không thành công nhưng cuộc khởi nghĩa được xem là một cao trào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam; thể hiện khát vọng tự do, tinh thần đấu tranh vì nước quên mình của Nhân dân Nam Bộ. Tinh thần ấy sẽ vẫn còn sống mãi với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nhân dân Nam bộ trong Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940.
Tháng 9 - 1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Ở Ðông Dương, Pháp có ý định đầu hàng thỏa hiệp với phát xít Nhật, hành động này của Pháp đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt.
Trong thời gian này, Xứ uỷ Nam Kỳ đã họp nhiều lần để bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Trước sự ảnh hưởng của không khí cách mạng khởi nghĩa Bắc Sơn, đặc biệt là tinh thần phản chiến của phần lớn binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp (những người bị tập trung ở Sài Gòn để chuẩn bị sang biên giới Lào, Campuchia đi làm bia đỡ đạn chống lại quân phiệt Xiêm), Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa vào đêm 22-11-1940.
Nhà bà Nguyễn Thị Hương, ấp Xuân Thới Đông, nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ
từ 21 đến 23-9-1940.
Tuy rằng Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940 quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì nhận thấy điều kiện chưa chín muồi, nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành đến các địa phương và không hoãn được nữa.
Mặc dù một số cán bộ chủ chốt đã bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa vẫn diễn ra theo kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 và kéo dài đến 31-12-1940.
Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ, quyết liệt nhất là ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Cả Nam Kỳ rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông, nhiều cầu bị phá hỏng.... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền nhân dân và tòa án cách mạng được thành lập ở nhiều vùng, tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao trong các cuộc biểu tình, tiến công đồn bốt ở Mỹ Tho (vùng Long Hưng, Long Ðịnh), Gia Ðịnh (vùng Hóc Môn), Vĩnh Long (vùng Bà Càng), Cà Mau, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, ...
Những ngày đầu kháng chiến ở Bến Tre - Ảnh tư liệu.
Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên thực dân Pháp đã kịp thời đối phó. Chúng lập tức cho thiết quân luật, giữ binh lính người Việt trong trại, tước hết khí giới, ra lệnh giới nghiêm và bủa lưới săn lùng các chiến sĩ cách mạng, huy động các lực lượng tiến hành một chiến dịch khủng bố trắng cực kỳ khốc liệt, tàn bạo. Chúng bắn phá nhiều làng mạc, đốt nhà, tàn sát nhân dân, các cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt, tra tấn, giết chóc, xử bắn... Nhiều Đảng viên, người con ưu tú của đất nước đã hy sinh anh dũng: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến…
Lính Pháp bắt người Việt tham gia cuộc nổi dậy chống Pháp tại Sài Gòn,
tháng 11/1940.
Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Hóc Môn đã để lại những tấm gương hy sinh oanh liệt, thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng cao cả của những người chiến sĩ cộng sản quê hương 18 thôn Vườn Trầu - Hóc Môn - Bà Điểm: đồng chí Phạm Văn Sáng, người Bí thư Quận ủy năm 1940 lãnh đạo chung và trực tiếp chỉ đạo một cánh quân cùng xung phong chiến đấu với nghĩa quân; đồng chí Đỗ Văn Dậy, tuổi đời vừa tròn 20 đã dũng cảm quên mình trong chiến đấu…
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến vẽ lá cờ đỏ sao vàng do họa sĩ Văn Cao vẽ.
Nguyễn Hữu Tiến đã hối hả viết ra những câu thơ cháy bỏng: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng. Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc. Nền cờ thắm máu đào vì nước. Sao vàng tươi da của giống nòi. Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi. Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940.
Trong thời gian từ ngày 23-11-1940 đến ngày 31- 12-1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo,…. Do Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, cơ sở Đảng bị tổn thất nặng, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định rút lui, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.
Tuy kết quả không đi đến thành công, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ đã biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân với đế quốc, nêu cao tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng vũ trang, về thời cơ khởi nghĩa và chiến tranh du kích.
Bài học kinh nghiệm:
- Chủ động cụ thể hoá đường lối giải phóng dân tộc của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải hết sức quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa địa phương và cả nước
- Sức mạnh của Đảng là ở quần chúng, vì thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn giữ vững mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ đảng về những quyết định của mình, nhất là phải nhận rõ khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa.
Bộ phận Tuyên giáo Đảng Ủy Trường ĐH Kinh tế - Luật