Chặng đường 90 năm công tác Dân vận của Đảng - Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020)

“Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - trích trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo “Sự thật” (số ra ngày 15/10/1949). Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm ngày dân vận cả nước, tính đến nay công tác dân vận đã có truyền thống gần 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

 

Kể từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

 

 

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, hãy cùng nhìn lại chặng đường 90 năm lịch sử với những dấu mốc, sự kiện nổi bật sau:

 

Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/210930), đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, trong đó Người nhấn mạnh “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng" để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra. 

 

Căn cứ theo đó, Đảng nhanh chóng tổ chức các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những ngày đầu, công tác dân vận còn gặp nhiều khó khăn, vừa phải đào tạo cán bộ làm công tác vừa phải thực hiện dân vận, đi sâu vào tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại nhưng cũng không kém phần quyết liệt.  

 

 

Cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) với chủ trương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác mặt trận (Nguồn: TTXVN)

 

Sau các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945, Đảng đã mở rộng được mặt trận đại đoàn kết toàn dân, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân: nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả kiều bào… nhằm thực hiện các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp. Chính điều đó đã tạo nên bước phát triển mới trong xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. Trước những biến động lớn của tình hình thế giới và trong nước, Đảng đã phát động cao trào chống Nhật - Pháp. 

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được xem là thắng lợi lớn cho bước đầu trong công tác dân vận của Đảng (Nguồn: Internet)

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xem là thắng lợi lớn trong công tác dân vận của Đảng, chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, nhưng Đảng đã tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, mang tính chất Nhân dân sâu sắc, làm tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

 

Công tác dân vận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975)

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), sau khi thành lập chính quyền mới, nước ta đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách của “thù trong, giặc ngoài”, Đảng đã xác định những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từ đó đề ra chủ trương phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.  

 

Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo “Sự thật” (số ra ngày 15/10/1949) là “kim chỉ nam” cho công tác Dân vận của Đảng ta

 

Phát động cuộc chiến tranh nhân dân, Trung ương Đảng chủ trương giáo dục, động viên và hướng dẫn toàn thể đồng bào đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc, mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ. Với sự thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) vào 29/5/1946, Đảng ta thu hút thêm các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng chính trị đấu tranh cho mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam.

 

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương

 

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết thành công vào ngày 20/7/1954, nhân dân ta tiếp tục thực hiện kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) với nhiệm vụ: Miền Bắc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bước vào con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội khôi phục đất nước sau chiến tranh; Miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960)

 

Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền, căn cứ tình hình thực tế cách mạng Việt Nam, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960). Nhờ chú trọng đổi mới nội dung và phương thức, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Kết quả rõ ràng nhất chính là đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa nước ta bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước tiến hành quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ 1975 đến nay)

Sau 30 năm chiến tranh cho mực tiêu thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ mới cùng thực hiện một chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng đã vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 

Đoàn chủ tịch tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất (tháng 01/1977)

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất họp từ 31/01 - 04/02/1977 tại TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc thành tổ chức Mặt trận thống nhất duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận phù hợp với tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Cụ thể, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận, đó là: 

- Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”

- Các Nghị quyết số 23, 24, 25, khóa IX (năm 2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; 

- Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị"

- Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, trên cơ sở đánh giá tình hình, làm rõ các thách thức đối với công tác dân vận trong Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (20-28/01/2016)

 

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học kinh nghiệm về công tác dân vận tiếp tục được khẳng định, đó là: "Phải phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự nhất trí trong Đảng và đồng thuận xã hội; tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân".

 

Nhìn lại chặng đường 90 năm lịch sử đã qua, công tác dân vận của Đảng luôn gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đã được tăng cường, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một phần công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, công tác nắm tình hình nhân dân, thực hiện thể chế đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác vận động, tuyên truyền, giải quyết khiếu kiện phức tạp, đông người kéo dài... còn hạn chế, cần có biện pháp khắc phục và sửa đổi.

 

 

Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra; trình độ dân trí ngày càng cao; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng; các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt… Vì vậy, có thể thấy vai trò của công tác dân vận của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị ngày càng quan trọng, cần phải tập trung thực hiện hiệu quả và tích cực hơn nữa; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM