30/4/1975 - Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

30/4/1975 - MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
*

        45 năm đã trôi qua, nhưng những kí ức về thời khắc lịch sử ấy vẫn còn sống mãi trong tim một thế hệ dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30/4/1975 là một mốc son chói lọi đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một biểu hiện sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
        Đầu năm 1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hai thắng lợi lớn của chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 24/3/1975) và chiến dịch Huế - Đà Nẵng (6/3 - 29/3/1975) như củng cố thêm niềm tin vững chắc cho một Đại thắng mùa xuân lịch sử.

        Sáng ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về đòn chiến lược cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, quyến định đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng tiến công trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất kết thúc trong tháng 4/1975, phải hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975) (Ảnh: TTXVN)

        Với quyết định trên, các cánh quân của ta thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm.  Đến ngày 26/4 đơn vị cuối cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào đến vị trí tập kết, sẵn sàng chờ lệnh. Ngay trong chiều hôm ấy, ta nổ súng mở màn chiến dịch, từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn. Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn khiến địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. 
        Tối 28/4 Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn họp đánh giá tình hình trên toàn mặt trận, bàn cách đánh sao cho thật nhanh, chắc thắng, đập tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền đồng thời phải bảo đảm thành phố ít bị tàn phá, nhân dân thành phố ít bị thiệt hại về người và của. Cuối cuộc họp Đại tướng - Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng ra lệnh “Tổng công kích trên toàn mặt trận vào 5h sáng ngày 29/4/1975”.
        Đúng giờ, pháo ta ào ạt dội lửa xuống các căn cứ quân sự ngụy trong thành phố. Ta lần đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Trảng Bàng, giành chiến thắng ở ngã ba Vĩnh Lộc, Bà Lác và sân bay Tân Sơn Nhất. Suốt đêm 29/4, tin chiến sự từ khắp các mặt trận báo về. Tin tức được xác nhận, tập thể lãnh đạo phân tích, bàn bạc nhanh chóng. Rồi các chỉ thị, mệnh lệnh, các biện pháp cụ thể được truyền xuống các binh đoàn.

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất  (Ảnh tư liệu)

        5h30 sáng ngày 30/4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Cả thành phố rung chuyển. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm trước và khống chế. Các đơn vị xe tăng, thiết giáp và xe cơ giới quân ta ào ào tiến vào như vũ bão, đi tới đâu cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc tung bay tới đó.

Xe tăng của Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 (Ảnh: TTXVN)

       Quân đoàn 2 của ta nhanh chóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tăng ta húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập. Trung úy Bùi Quang Thận cùng một số chiến sĩ nhanh chóng lao lên ban công tầng thượng của tòa nhà giật bỏ lá cờ ngụy và kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc Lập vào lúc 11h30’ ngày 30/4/1975. 13h30 cùng ngày, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 
        Chiến thắng 30/4/1975 được kết tinh bằng chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu  giải phóng toàn bộ miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Đoàn Trường