Kỷ niệm 43 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất (25/4/1976 – 25/4/2019)

Cách đây 43 năm, ngày 25/4/1976, nhân dân cả nước tham gia vào một hoạt động chính trị đặc biệt - cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội thống nhất. Đây là lần thứ hai, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trên phạm vi cả nước, lần thứ nhất là vào năm 1946. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. 

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.


Tổng Bí thư Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất ngày 25-4-1976 tại khu vực bỏ phiếu số 30, 
khu Ba Đình, Hà Nội

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 

“Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. 
Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”



Quốc hội đã ra tuyên bố ghi lại bước đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, xác định những nét lớn về nhiệm vụ chiến lược, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội kêu gọi toàn dân hăng hái tiến quân vào các mặt trận lao động, sản xuất, công tác và học tập, vì sự toàn thắng của công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. 

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhấn mạnh: “Với thắng lợi của kỳ họp này, chúng ta đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Anh em bầu bạn trên thế giới chia sẻ vui mừng với chúng ta... Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, phát huy mọi điều kiện thuận lợi do việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đem lại, để tiến tới hoàn thành thống nhất nước nhà về mọi mặt. Đồng thời, ra sức khắc phục những khó khăn về thanh toán những ảnh hưởng còn lại của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ; về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; về khôi phục kinh tế, ổn định đời sống; về cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về tăng cường và cải tiến quản lý nền kinh tế quốc dân”.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà.  

Kỷ niệm 43 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976– 25/4/2019) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và sự ra đời của Quốc hội khóa VI (1976) là một trong những thành quả cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta. Đó là sự tiếp nối thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam vào năm 1946 và những kỳ bầu cử tiếp theo. Kế thừa truyền thống đó, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những kinh nghiệm trong các kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây là những bài học quý giá để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016– 2021 đi đến thành công. Ôn lại những chặng đường lịch sử vừa qua, nhân dân ta càng thêm tự hào và nhận thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa to lớn của mỗi lá phiếu bầu để sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, thay mặt nhân dân thực hiện những nhiệm vụ to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất, ngày 25-4-1976
Cùng nhìn lại một số hình ảnh infographic Quốc hội qua các thời kỳ:



Nguồn: Tổng hợp