Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2023): "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới. 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) – Vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.

Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước anh dũng chống giặc ngoại xâm. Ngay từ thuở nhỏ, Người đã tiếp thu, thấm nhuần được truyền thống yêu nước, lòng nhân ái từ gia đình và quê hương đất nước. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Con tàu Đô đốc Latouche-Tréville (ảnh trái) và chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913 (ảnh phải) (Ảnh Tư liệu)

Với tình cảm yêu nước, thương dân vô hạn, ngày 05/6/2011 Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, do có một nghị lực hơn người, sự học tập bền bỉ, trí nhớ tuyệt vời và thông minh hiếm có, Người đã học được nhiều thứ tiếng và sử dụng thành thạo một số tiếng như: Anh, Pháp, Hoa, Nga, Đức... cùng với đó Người học rất nhiều nghề như làm ảnh, làm báo... để vừa có tiền nuôi thân, vừa mua sắm phương tiện tối thiểu để hoạt động cách mạng. Người là một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập và tự học.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920 (Ảnh Tư liệu)

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với Bản sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, luận cương này đã chỉ cho Người con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Từ đây Người đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo, hoạt động trong các tổ chức công đoàn, ái hữu của Pháp, hoạt động, làm việc trong Quốc tế Cộng sản.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam ngày 28/01/1941 (Ảnh Tư liệu)

Năm 1927, theo nguyện vọng của Người, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về hoạt động ở Đông Dương. Sau một thời gian ở Thái Lan, cuối năm 1927 Người lại sang Trung Quốc, liên hệ với những nhóm hoạt động trong nước. Đến năm 1930, vào ngày 3 tháng 2 lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/01/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất là phải đi theo “Con đường cách mạng dân tộc dân chủ” do Đảng của giai cấp công nhân tiên phong lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Di chúc của Bác Hồ (Nguồn: Ảnh Tư liệu)

Ngày 02/09/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng Người đã để lại cho nhân dân Việt Nam một bản Di chúc vô cùng thiêng liêng. Di chúc là những lời căn dặn cuối cùng đầy tâm huyết, nói lên tình sâu nghĩa nặng của Người với nước, với dân; nói lên niềm tin tất thắng ở sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: "Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại Việt Bắc nhân dịp sinh nhật của Người, ngày 19/5/1953 (Ảnh Tư liệu)

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) tại Tết trồng cây ngày 16/2/1969. (Ảnh Tư liệu)

Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác, chúng ta nhớ lại hình ảnh Người Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam, một con người suốt đời chỉ lo cho dân, cho nước, Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc cho con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Nhớ về Bác ta nhớ những lời dạy của Bác về trung thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Tuy Bác đã đi xa nhưng những tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người vẫn toả sáng đến mãi mai sau. Hiện nay Đảng ta đã xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị 05-CT/TW) gắn với thực hiện chuyên đề học tập toàn khóa theo nghị quyết Đại hội khóa XIII: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" gắn thực hiện việc học tập, làm theo Bác với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và các chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ vào hoạt động của chi bộ góp phần làm cho sinh hoạt chi bộ thiết thực, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn rất nhiều những lời giáo điều, sáo rỗng.

Nhớ Bác thiết tha với lòng biết ơn vô hạn, ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, đây là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, tấm gương mẫu mực để học và làm theo Người. Bác Hồ Chí Minh kính yêu, nhớ Bác, yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.

BỘ PHẬN TUYÊN GIÁO - DÂN VẬN

Nguồn: Tổng hợp